Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

09:00, 26/09/2023 [GMT+7]

Thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai có hiệu quả việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, kết hợp với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đã góp phần nâng thu nhập của người lao động tại các vùng nông thôn.

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

 

Hiện nay, ngoài vải thổ cẩm, trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc Ba Na, chị em trong Tổ dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại còn làm thêm ví, túi, khăn choàng… với nhiều mẫu mã đa dạng. Trước mắt, tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu thương hiệu ra thị trường, hướng đến sản xuất đại trà cung cấp cho các điểm du lịch trong tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 16.050 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn ở 17 làng nghề truyền thống. Tỉnh cũng đã có 118 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Hầu hết các sản phẩm truyền thống đặc trưng đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đa số các làng nghề, hình thức và quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, các xưởng sản xuất nằm xen kẽ với khu dân cư, sử dụng diện tích đất ở làm nơi sản xuất, mặt bằng chật hẹp…

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

 

Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề án khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch. Theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh nỗ lực khôi phục, bảo tồn 10 làng nghề có nguy cơ mai một; ít nhất 10 sản phẩm làng nghề tham gia chương trình OCOP và được gắn sao, đồng thời xây dựng thương hiệu 5 làng nghề. Năm 2023, tỉnh phấn đấu công nhận mới 2 làng nghề gồm nước mắm Long Thủy, TP Tuy Hòa và dệt thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân; hỗ trợ sản phẩm làng nghề tham gia chương trình OCOP, liên kết theo chuỗi giá trị…

Để thực hiện Đề án này, đòi hỏi sự phối hợp của các ngành trong đào tạo kiến thức về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng nghề cho cơ sở sản xuất tại làng nghề. Đồng thời, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các làng nghề đưa sản phẩm truyền thống, mang tính đặc trưng vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu người dân và du khách./.

Ngọc Hiền – Lê Hùng