QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

11:09, 15/11/2022 [GMT+7]

 

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Chương trình Kỳ họp, trước khi tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi) và nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Góp ý Dự án Luật đất đai (sửa đổi), theo đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh, qua rà soát, nhiều thủ tục quản lý Nhà nước về đất đai (khoảng 18 thủ tục) có quy định thẩm quyền giải quyết thuộc UBND tỉnh, tức là thẩm quyền chung theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong khi đó, bộ thủ tục hành chính lại quy định thời gian cụ thể cho từng cấp, từng ngành, phần lớn giải quyết trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Như vậy, trên thực tế nếu lãnh đạo UBND tỉnh ký để giải quyết các thủ tục hành chính thì có thể đảm bảo theo quy định về thời gian đối với quy định và bộ thủ tục hành chính nhưng lại không đảm bảo theo thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Đào An Xuân, một số quy định hiện nay có thể hiểu và áp dụng theo nhiều nghĩa khác nhau, mỗi địa phương hoặc là từng hồ sơ có thể có nhiều cách áp dụng với cùng một điều luật. Điều này dẫn đến tình trạng người sử dụng sẽ thực hiện theo cách có lợi cho mình nhất. Như vậy, sẽ dẫn đến cái tiêu cực, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc nhà đầu tư và người sử dụng đất.

Ngoài ra, đại biểu Lê Đào An Xuân cho biết, những ngày qua trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu nhắc nhiều đến việc là viên chức, công chức ngành y tế, giáo dục có sự dịch chuyển, nhưng có một hiện thực chưa được nhắc đến đó là công chức, viên chức ngành Tài nguyên và môi trường cũng có một tỷ lệ dịch chuyển lớn. Người xin nghỉ việc, người chủ động xin chuyển công tác hoặc chuyển vị trí công tác, tất cả cùng có một nỗi băn khoăn, không biết hồ sơ mình đang xử lý có những sai sót gì hay không. Đây là một áp lực pháp lý rất lớn mà cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên môi trường đang phải chịu. Đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành việc sửa đổi ngay các vướng mắc hiện nay và việc sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo không kiềm chế sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như không mất thêm cán bộ./.

Hồng Thủy – Đức Hưng