Nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục

11:59, 21/11/2022 [GMT+7]

 

Nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục
Nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục

 

Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên là lực lượng nòng cốt,  đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Trong 2 năm học vừa qua, là những người trực tiếp dạy học sách giáo khoa mới, giáo viên gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng bằng tất cả sự tâm huyết với nghề, các thầy, các cô đã vượt lên chính mình, nỗ lực trong bồi dưỡng, tự nghiên cứu, học tập để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Phóng sự sau sẽ giúp quý vị hiểu hơn vai trò người thầy trong việc giảng dạy chương trình giáo dục mới.

Kết thúc giờ lên lớp đã khá lâu, cô Hiền vẫn nán lại lớp chuẩn bị bài giảng cho những buổi học kế tiếp. Tốt nghiệp sư phạm Lịch sử và có kinh nghiệm đứng lớp gần 20 năm, nhưng để dạy tốt bộ môn Sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Hiền cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu thêm bộ môn Địa lý và Giáo dục công dân phù hợp với bộ môn tích hợp.

Để giúp học sinh phát triển đầy đủ năng lực, phẩm chất theo yêu cầu chương trình mới, cô Trương Thị Mỹ Dung, Trường Tiểu học và THCS Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa không bỏ bất cứ tiết ngoại khóa nào của lớp. Tại các buổi ngoại khóa này không chỉ giúp cô nắm rõ được khả năng, thế mạnh, xu hướng nghề nghiệp mà còn giúp cô hiểu nhiều hơn về tâm lý của từng em học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình mở. Tính mở của chương trình chỉ có ý nghĩa khi nhà trường, giáo viên chủ động sáng tạo thực hiện. Chính vì thế, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngoài việc thay đổi nhận thức, tư tưởng,… thầy cô cần phát huy vai trò tự chủ trong chuyên môn. Với vai trò của người gợi mở, chỉ đạo, hướng dẫn…, giáo viên cần có sự dẫn dắt, khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào quá trình học.

Là người trong cuộc hẳn cô Hiền, cô Dung và nhiều thầy cô khác cảm nhận được những áp lực, cũng như yêu cầu với nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh mới...

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để xã hội tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của thầy cô giáo. Đồng thời, cũng là dịp để mỗi thầy cô giáo suy nghĩ và nhìn lại vai trò trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp trồng người. Bên cạnh sự biết ơn và lòng tôn kính, còn là yêu cầu, mong muốn của học trò và của toàn xã hội đối với người thầy. Nhà giáo hơn lúc nào hết phải thấy được đất nước và thế hệ trẻ đang trông chờ ở họ. Bởi vậy, mỗi nhà giáo cần phát huy nội lực của mình mới chủ động đáp ứng được những yêu cầu thay đổi để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Lê Hùng – Diệp Thạnh