Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

09:42, 03/11/2022 [GMT+7]

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 02/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ số 16 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Nghệ An. Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ. Tham gia phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

 

Góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu cơ bản thống nhất việc sửa đổi Luật sẽ khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đại biểu Lê Văn Thìn, Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia góp ý về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nghĩa vụ của người tiêu dùng, về các hành vi bị cấm…

Góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.  Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng” nêu trong Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Hồng Thủy – Đức Hưng