Bảo vệ, phát huy giá trị quan trọng của rừng |
Rừng có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng với môi trường sinh thái, đóng góp giá trị to lớn với nền kinh tế quốc gia, gắn liền với đời sống của nhân dân... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều yếu tố cực đoan, bất thường gây ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, môi trường và các hệ sinh thái, đe dọa đến phát triển kinh tế, an ninh an toàn và sự phát triển bền vững. Hơn lúc nào hết, việc khôi phục rừng chính là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm sự phát triển bền vững. Phóng sự nhân Ngày Quốc tế về Rừng năm 2022 với chủ đề: Rừng và sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Phú Yên có hơn 276 ngàn hecta diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm khoảng 55% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Các chính sách phát triển rừng trồng của tỉnh từng bước đạt kết quả, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh đạt 46% vào cuối năm 2021... Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng của tỉnh vẫn còn ở mức trung bình; sản phẩm tinh chế từ gỗ rừng trồng chưa chiếm tỷ trọng cao.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, sản xuất và kinh doanh sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh Phú Yên còn nhiều tồn tại và bất cập. Điển hình như nguồn nguyên liệu gỗ có chất lượng, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; mối liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu gỗ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; chưa hình thành nhiều liên kết chuỗi phát triển rừng trên địa bàn.
Đặc thù ngành rừng sản xuất có chu kỳ kinh doanh dài, vốn đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao, do đó việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất Lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, gần đây, tỉnh Phú Yên đã rà soát, đánh giá lại diện tích rừng trồng theo điều kiện từng địa phương; tương ứng với từng đối tượng chủ rừng để có giải pháp thực hiện hiệu quả. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp và người dân tham gia trồng rừng có chứng chỉ bền vững.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030. Đề án sẽ hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ; xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế trong thời gian tới. Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ vào năm 2025 và 25 tỷ vào năm 2030 và 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào năm 2030… Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với những địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp như Phú Yên hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất, tiêu dùng bền vững ngành rừng.
An Bang