Tạo không gian sống cho giá trị văn hóa dân tộc

10:30, 29/10/2018 [GMT+7]

 

Tạo không gian sống cho giá trị văn hóa dân tộc
Tạo không gian sống cho giá trị văn hóa dân tộc


Tiếng cồng tiếng chiêng, những âm thanh quen thuộc như thế cứ ngỡ chỉ được vang lên ở một buôn làng nào đó, giữa đại ngàn núi rừng… Thế nhưng ngay giữa lòng thành phố Tuy Hòa, vẫn có một không gian dành cho cồng chiêng - những gì thuộc về giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao. Ở đây, vốn quý của văn hóa ấy được chính những thế hệ trẻ, con em người đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ, tiếp nối.

Sau giờ học, các em lại tập trung về đây. Hội trường sinh hoạt chung của trường phổ thông DTNT tỉnh trở thành nơi sinh hoạt chung của các em…Dường như trong mỗi em, vốn văn hóa buôn làng đã trở thành bản năng. Bởi thế, một khi tiếng cồng tiếng chiêng vang lên, các em lại hòa vào nhịp điệu... Cứ thế, một góc của không gian Tuy Hòa về đêm như hòa vào không gian buôn làng, từ chính các em, những người yêu thích cồng chiêng của buôn làng.

Cồng chiêng, trống đôi - một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, không gian văn hóa cồng chiêng đang ngày càng thu hẹp do nhiều nguyên nhân, đó là nỗi lo của không chỉ ngành văn hóa mà ngay cả nơi sản sinh ra nó…Hơn năm nay, Đoàn trường PT DTNT tỉnh đã tập hợp các em học sinh đam mê với văn hóa dân tộc và hình thành CLB cồng chiêng… Từ đó, tiếng cồng, tiếng chiêng ngày càng có hồn, có phách được vang lên hàng đêm, từ chính những bạn trẻ này.

Vùng cao vẫn còn đó những khó khăn. Không ít trong số các em phải rời làng từ nhỏ để theo con chữ. Nhưng, nhìn những gì các em thể hiện, rõ ràng không vì xa làng, xa nhà mà quên đi tiếng trống, tiếng cồng chiêng và cả điệu nhảy Aráp của đồng bào mình.

Cũng vì yêu cái vốn quý văn hóa nơi mình sinh ra, mà đêm đến, không ai bảo ai, các em đều dành thời gian sau giờ học tập, có mặt ở đây để cùng nhau tập luyện, như cách để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Một không gian sống đúng nghĩa của những gì thuộc về giá trị bản sắc văn hóa dân tộc…Giá trị văn hóa cồng chiêng, tài sản riêng có của người đồng bào vùng cao tiếp tục được nuôi dưỡng từ không gian này, từ chính lớp trẻ của bản làng là thế.

Như Thùy, An Bang