Đầu tư toàn diện để phát triển vùng mía nguyên liệu

10:15, 14/12/2021 [GMT+7]

 

Đầu tư toàn diện để phát triển vùng mía nguyên liệu
Đầu tư toàn diện để phát triển vùng mía nguyên liệu

 

Trong những năm gần đây, ngành mía đường luôn đối mặt với nhiều khó khăn như diện tích và số hộ dân trồng mía sụt giảm, thời tiết khí hậu bất lợi, vấn đề đường nhập lậu gây khó khăn tiêu thụ đường trong nước... Để vượt qua những khó khăn thách thức này, ngành nông nghiệp tỉnh và các nhà máy đường tích cực triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ giúp nông dân có điều kiện duy trì, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, đảm bảo lợi nhuận và ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất mía đường.

Hai năm trở lại đây, giá mía nguyên liệu tăng cao giúp nhiều người dân vùng núi các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, có thu nhập ổn định hơn trước. Chia sẻ tại Hội thảo tìm giải pháp đưa ngành mía đường phát triển diễn ra trong tháng 11 vừa qua, ông Võ Văn Út, nông dân trồng mía tiêu biểu của tỉnh cho biết, trong những năm gần đây nhờ được Nhà máy đường tạo điều kiện đầu tư vốn cho người trồng mía; đồng thời tăng cường đầu tư cơ giới hóa từ khâu trồng và thu hoạch mía, đã đảm bảo ổn định đầu tư vùng nguyên liệu cũng như thu mua hết lượng mía người dân trồng.

Theo Sở NN&PTNT, niên vụ mía năm 2019-2020 giá bán cao nhất từ trước đến nay đạt hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Dù vậy năng suất mía chỉ đạt 65 tấn/hecta. Do địa hình miền núi và cây mía trồng tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín đồng loạt gây trở ngại cho việc thu hoạch. Hơn nữa, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất mía trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí sản xuất còn ở mức cao.

Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng cường hỗ trợ đầu tư sửa chữa và làm mới đường giao thông, hệ thống thủy lợi; khuyến khích nông dân sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư tưới nước cho vùng nguyên liệu mía; tiếp tục du nhập và khảo nghiệm các giống mía mới, có năng suất, chất lượng và phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương là nền tảng để áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất mía, bổ sung vào cơ cấu giống năng suất, chất lượng cao để phát triển vùng nguyên liệu mía.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy đường tăng cường đầu tư dây chuyền sản xuất đường có chiều sâu, hiện đại vừa nâng cao hiệu suất thu hồi, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành và tăng tính cạnh tranh để thực hiện tốt vai trò liên kết khép kín từ khâu đầu tư, bao tiêu sản phẩm thu mua và chế biến mía đường.

An Bang, Quốc Hoàn