Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường từ vùng nguyên liệu

13:41, 30/10/2018 [GMT+7]

 

Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường từ vùng nguyên liệu
Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường từ vùng nguyên liệu


Tiếp tục câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, hiện tại, có một nghịch lý đang xảy ra: nông dân thì liên tục than phiền: do giá thu mua mía thấp khiến họ không có lãi. Trong khi đó, nhà máy thì lại cho rằng: giá thu mua mía như hiện nay là cao, làm đội giá thành sản phẩm đường, khiến cho các nhà máy thua lỗ. Vậy làm thế nào để cả nhà máy lẫn nông dân đều có thể sống được với cây mía trước sức ép mặt hàng đường ngoại nhập? Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng không thể không bắt đầu từ vùng nguyên liệu.

Phú Yên là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn nhất miền Trung với hơn 28 ngàn ha, nhưng hiếm hoi mới có những ruộng mía năng suất 100 tấn/ha, đa phần chỉ từ 50-70 tấn. Còn về chất lượng mía, thường nằm dưới 10 chữ đường. Chỉ riêng điều này, người trồng mía của tỉnh đã thua xa với sản xuất mía đường các nước trong khu vực.

Năm nay, ở Phú Yên, nếu bán một tấn mía được 800 ngàn đồng thì 400 ngàn đồng đã tiêu tốn ở khâu thu hoạch. Bởi để thu hoạch, chủ ruộng mía phải thuê nhân công để chặt mía, bốc vác, trung chuyển mía từ ruộng ra đường giao thông, sau đó mới về nhà máy. Vậy là với giá mía như hiện tại, nông dân không có lãi. Nhưng mức giá này lại khiến cho giá thành sản xuất đường ở mức cao, nhà máy đường cũng thua lỗ.

Lộ trình tháo gỡ khó khăn cho sản xuất mía đường của tỉnh được bắt đầu từ việc xây dựng một hình mẫu vùng nguyên liệu mía có khả năng cạnh tranh, nghĩa là giảm được chi phí cho dù giá mía thấp thì nông dân vẫn có lãi. Cơ giới hóa là chìa khóa để tháo gỡ khó khăn này. Thực ra, điều này được đặt ra ở tỉnh Phú Yên từ 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa làm được hoặc nếu làm cũng chỉ dừng ở việc thí điểm quy mô rất nhỏ.

Nông dân cũng biết là phải áp dụng giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng mía, áp dụng cơ giới để giảm chi phí sản xuất. Nhưng, một nông dân đơn lẻ không thể làm được. Liên kết 4 nhà, bởi vậy, một lần nữa cần được thắt chặt hơn để gỡ khó cho ngành mía đường, bắt đầu từ việc giảm giá thành sản xuất ngay từ vùng nguyên liệu./.

Như Thùy, An Bang