Phòng tránh thiệt hại cho vùng nuôi tôm hùm mùa mưa bão

13:52, 10/10/2018 [GMT+7]

PHÒNG TRÁNH THIỆT HẠI CHO VÙNG NUÔI TÔM HÙM MÙA MƯA BÃO

Phòng tránh thiệt hại cho vùng nuôi tôm hùm mùa mưa bão
Phòng tránh thiệt hại cho vùng nuôi tôm hùm mùa mưa bão

 

Chúng tôi đã đề cập đến những lo lắng của người nuôi tôm hùm  trước tình hình dịch bệnh trên tôm hùm thời gian qua, và hiện nay một mối lo lớn  là vấn đề phòng tránh thiệt hại trong mùa mưa bão. Những thiệt hại do thiên tai gây ra các năm trước là bài học trong công tác phòng tránh bão cho khu vực này năm nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc phòng tránh bão cho tôm hùm trên biển cũng đang lúng túng.

Bãi trước xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu những ngày sau cơn bão số 12 năm 2017. Hàng ngàn lồng tôm bị sóng cuốn hư hại hoặc đánh dạt lên bãi, thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhiều người dân trắng tay sau nhiều năm tích cóp. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chủ động chuyển lồng đi nơi khác kịp thời hoặc bán sớm tôm đến kỳ thu hoạch có lẽ thiệt hại sẽ giảm hơn.  Bởi vậy, di chuyển lồng bè đến nơi an toàn khi có bão được các ngành chức năng khuyến cáo. Tuy nhiên chỉ di chuyển đối với những lồng tôm khoẻ mạnh.

Sau thiệt hại này, tận dụng giá tôm giống năm nay nhập về nhiều và giá giống quá rẻ,  người dân ồ ạt thả tôm trở lại. Tại hai vùng nuôi tôm là Phú Dương và Vịnh Hoà của riêng xã Xuân Thịnh, từ 13.000 lồng năm ngoái, đến thời điểm này số lồng tôm hùm đã tăng hơn 24.000 lồng với khoảng 1000 hộ nuôi tôm. Mặt nước lúc này ken dày lồng nuôi khiến việc di chuyển lồng đi nơi khác thực sự nan giải.

Theo các hộ dân, giải pháp phòng tránh mưa bão hiện nay là chỉ cho lồng chìm xuống tại chỗ ở tầng nước thích hợp và neo buột lồng, bè cẩn thận, chằng bằng các vật nặng khi có mưa to, sóng lớn xảy ra. Ở những vùng nuôi tôm hùm thường xuyên bị nước ngọt uy hiếp gây thiệt hại trong mùa mưa bão, người dân cũng tự rút ra kinh nghiệm trong công tác phòng tránh.

Hiện, các vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu số lồng tôm hùm theo thống kê chưa đầy đủ lên khoảng trên 80.000 lồng. Nhiều vùng mật độ lồng nuôi dày đặt.  Trong khi đó dự báo mùa mưa bão năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó vùng nuôi tôm hùm trải rộng trên biển là nơi bị tác động mạnh nhất. Bởi vậy có giải pháp khoa học, chủ động trong phòng tránh mưa bão bằng nhiều giải pháp tổng hợp là việc cần được ưu tiên hàng đầu ngay từ lúc này./.

Lê Biết - Quốc Hoàn