Giảm nghèo từ mô hình nuôi bò lấy thịt thương phẩm

08:05, 25/10/2018 [GMT+7]

 

Giảm nghèo từ mô hình nuôi bò lấy thịt thương phẩm
Giảm nghèo từ mô hình nuôi bò lấy thịt thương phẩm


Thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, các ngành chức năng đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 4.550 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng. Trong đó, mô hình nuôi bò thịt thương phẩm được triển khai tại các địa phương, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Ông Huỳnh Văn Ngữ, xã Hòa Đồng là người khuyết tật, vợ cũng bị bệnh điếc nặng, trong khi con thì đang tuổi ăn tuổi học. Mặc dù bản thân ông cũng nỗ lực làm ăn nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thoát được cái nghèo. Cuối năm 2017, gia đình ông Ngữ được mô hình hỗ trợ 10,7 triệu đồng để mua một con bò. Với diện tích cỏ gia đình có sẵn, ông cùng vợ thay nhau chăm sóc bò. Hiện nay, con bò đang phát triển tốt và là hy vọng để có thể cải thiện kinh tế gia đình thời gian tới.

Năm 2015, chồng chị Nguyễn Thị Ái Hoa, xã Hòa Tây Tây bị ung thu tuyến giáp nên mọi tài sản đều đổ dồn cho quá trình điều trị. Chồng bệnh nặng, lại nuôi 2 con nhỏ nên gia đình chị rơi vào túng quẫn. Được sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương, gia đình được xét diện hộ nghèo, nhận trợ cấp thường xuyên và được hỗ trợ 10 triệu đồng. Thêm vốn đối ứng của gia đình, chị Hoa mua con bò cái và nghé. Đến nay, hai con bò đều phát triển tốt. Từ ngày được hỗ trợ, chị Hoa yên tâm làm mấy sào ruộng, chăm sóc bò, bán phân chuồng để có thêm thu nhập và chăm lo cho chồng con. Gia đình chị Hoa hiện nay đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà khang trang với kinh phí xây dựng là 150 triệu đồng.

Dự án nuôi bò lấy thịt thương phẩm triển khai tại huyện Tây Hòa từ năm 2014 có 138 hộ nghèo tham gia với tổng nguồn vốn hỗ trợ là hơn 1,3 tỷ đồng. Dự án triển khai dưới hình thức tay ba - nghĩa là hộ dân mua bò dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, đảm bảo xuất xứ và chất lượng con bò. Sau 3 năm tham gia dự án, các hộ sẽ hoàn lại 20% số tiền được hỗ trợ để huyện nhân rộng mô hình cho các hộ khác. Các hộ tham gia mô hình hiện nay phần lớn dần thoát nghèo, ổn định đời sống.

Qua thời gian triển khai, 100% các hộ tham gia mô hình trên địa bàn huyện đều hoàn 20% vốn hỗ trợ ban đầu. Bằng cách làm này tuy nguồn vốn hỗ trợ không nhiều nhưng giúp vơi bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống mà các hộ gia đình nghèo gặp phải. Việc trao chiếc “cần câu” đúng lúc là phương thức mà ngành lao động, thương binh và xã hội thực hiện đã giúp cho những hộ khó khăn có điểm tựa để giảm nghèo bền vững. Từ chính nỗ lực của mỗi cá nhân đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương./.

Hoàng Trúc – Thoại Kỳ