Ngư dân vào vụ mới, nỗi lo chưa dứt

10:25, 12/12/2019 [GMT+7]

 

Ngư dân vào vụ mới, nỗi lo chưa dứt
Ngư dân vào vụ mới, nỗi lo chưa dứt


  Theo thời vụ khai thác cá ngừ đại dương, từ sau rằm tháng 11 âm lịch, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương bước vào vụ biển mới 2019-2020. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngư dân gặp khó khăn. Thêm một mùa biển gánh nặng chi phí đầu vụ đè nặng trên vai ngư dân.  Nỗi lo này đến từ nhiều năm và chưa năm nào chấm dứt.

Khu vực sửa chữa tàu thuyền Đông Tác, Phường Phú Đông, TP Tuy Hoà, bà con đang bận rộn với việc tu sửa tàu thuyền để bước vào vụ mới trong vòng 5, 7 ngày tới. Ở cuối bãi, một chiếc tàu công suất lớn chỉ còn lại phần mũi nằm chỏng chơ. Chủ tàu đang lo ngày lo đêm không biết xoay xuể cách nào để ra khơi trong những ngày tới. Không sửa thì đồng nghĩa với bỏ nghề, cuộc sống sẽ bế tắt. Mà sửa chữa thì với chi phí tầm khoảng 700 triệu đồng, gia đình không biết lấy đâu ra.

Trước đó, tàu cá này bị nạn tại khu vực cửa Đà Diễn và bị sóng đánh chìm. May mắn 6 ngư dân được cứu sống. Nhưng toàn bộ phần sau thân tàu, ca bin tàu cùng hệ thống thiết bị điện tử trên tàu cá bị vỡ và hư hỏng hoàn toàn, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Lúc này, con tàu chỉ còn lại 1/3 phía mũi. Ca bin trở thành đống gỗ vụn. Trong khi năm ngoái chiếc tàu này đã được đại tu gần 400 triệu đồng. Việc đánh bắt năm nay gặp khó khăn, nợ cũ chưa trả hết, lại thêm khoảng nợ mới do tàu chìm, khiến cho chủ tàu gần như kiệt quệ. Bảo hiểm đã hết, tài sản không còn, trong lúc bức bách, ngư dân tìm đến các khoản vay nóng với lãi suất cao.

Trong số gần 500 tàu câu cá ngừ của Phú Yên, số hộ thiếu vốn vào vụ mới chiếm gần một nửa. Năm nay, việc đánh bắt xa bờ, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương gặp khó khăn do sản lượng đánh bắt thấp. Đặc biệt, hai chuyến biển cuối vụ, ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều tàu cá kéo dài chuyến biển, sản lượng khai thác lại thấp, nên hơn 2/3 số tàu bị lỗ phí tổn từ 30 triệu đến 80 triệu mỗi chuyến. Nhưng hiện nguồn vốn hỗ trợ xăng dầu theo Nghị định 48 vẫn chưa được giải ngân đủ nên nhiều ngư dân gặp khó khăn.

Lúc này, do thiếu vốn, nhiều tàu cá hoặc chưa tu bổ hoặc sửa chữa chưa xong. Số đã làm xong xuống nước, nhưng vẫn phải  gát neo bởi thiếu vốn mở biển. Và đây cũng là lúc "tín dụng đen" có điều kiện thâm nhập làng biển. Một chương trình hỗ trợ vốn ưu đãi cho ngư dân đánh bắt xa bờ vào vụ mới nên chăng phải được triển khai đến các làng biển. Làm được điều đó cũng là cách giúp nghề đánh bắt xa bờ phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.

Lê Biết - Quốc Hoàn