Bất cập trong công tác quản lý, phát triển rừng

14:09, 07/08/2019 [GMT+7]

 

Bất cập trong công tác quản lý, phát triển rừng
Bất cập trong công tác quản lý, phát triển rừng


Đến thời điểm này của năm 2019, Phú Yên đang là tâm điểm cháy rừng của cả nước với số vụ nhiều nhất, diện tích thiệt hại rừng lớn nhất từ trước đến nay. Biến đổi khí hậu nắng nóng gây khô hạn, làm tăng nguy cơ cháy rừng; ý thức của người dân khi sử dụng lửa trong rừng được xác định là 2 nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ cháy rừng... Tuy nhiên, một thực tế trong phát triển rừng tại Phú Yên lâu nay đó là, chưa thật sự kiểm soát tốt công tác phát triển rừng- tạo ra những đường băng trắng cản lửa tại các cánh rừng, người dân cứ hễ có đất là trồng rừng. Vì vậy, khi cháy rừng xảy ra, gần như không thể kiểm soát được ngọn lửa.

1 tháng sau vụ cháy rừng lớn nhất huyện Phú Hòa trong năm 2019. Những khu rừng trồng keo, bạch đàn bạt ngàn màu xanh trước đó giờ trở thành những khu rừng chết...Hàng chục ha rừng chết đứng sau cháy rừng. Chỉ trong tháng 7, nhiều thời điểm, 1 ngày trên địa bàn huyện xảy ra 2-3 vụ cháy rừng. Vụ cháy rừng xảy ra tại thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, vào ngày 4/7, làm thiệt hại hơn 50ha rừng trồng nhiều độ tuổi của bà con nhân dân địa phương. Vụ cháy rừng này, xảy ra khoảng 12 giờ trưa và được phát hiện rất sớm, các lực lượng tại chỗ được huy động toàn lực; tỉnh Phú Yên cũng đã huy động thêm 300 chiến sĩ bộ đội, công an tham gia dập lửa nhưng ngọn lửa cháy quá lớn cộng với gió Tây Nam thổi mạnh khiến việc dập lửa cực kỳ khó khăn....Các lực lượng phải chia nhỏ thành nhiều mũi, cắt băng cản lửa từ xa để ngăn chặn cháy lan và phải sau gần 8 giờ dốc toàn lực, các lực lượng mới dập được đám cháy.

Đến thời điểm này, Phú Yên xảy ra 36 vụ cháy rừng, làm thiệt hại gần 500ha rừng. Trở thành địa phương có số vụ cháy rừng và diện tích rừng thiệt hại lớn nhất nước. Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra: vì sao các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn được phát hiện sớm, nhưng không thể kiểm soát ngọn lửa cháy lan?

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, việc người dân phát triển rừng không để lại những đường băng trắng cản lửa là nguyên nhân chính dẫn đến khó kiểm soát ngọn lửa cháy rừng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lâm nghiệp và môi trường cho rằng: không thể đổ lỗi cho người dân mà chính việc kiểm soát chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết nên người dân cữ hễ có đất là trồng rừng, trồng liền khoảnh liền thửa mà không hề để lại những đường ranh đủ rộng để cản lửa, phòng ngừa cháy rừng.

Hệ quả của các vụ cháy rừng để lại thiệt hại về kinh tế với nhiều hệ trồng rừng là không hề nhỏ. Hệ sinh thái dưới tán rừng gần như xóa sổ... Bởi vậy, phát triển rừng bền vững, yêu cầu cần thiết phải thực hiện là cần kiểm soát việc trồng rừng tự phát, trước hết là kiểm soát việc tạo ra các đường băng cản lửa khi trồng rừng tại các địa phương./. 

An Bang