Tình cảm của Cựu chiến binh với Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh

20:22, 03/05/2019 [GMT+7]

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh do tuổi cao, sức yếu đã từ trần tối ngày 22-4. Là một vị tướng tài năng, nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, tầm cỡ, có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự ra đi của Đại tướng là một tổn thất to lớn của Đảng và nhân dân ta. Với những người lính từng được sống và chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Lê Đức Anh, hình ảnh của Đại tướng luôn có một vị trí đặc biệt.

Tình cảm của Cựu chiến binh với Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Tình cảm của Cựu chiến binh với Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh

 

 

Hôm nay là một ngày khá đặc biệt của những cựu chiến binh thuộc Ban liên lạc trung đoàn 94, sư đoàn 307, Quân khu V. Họ từng là cán bộ, chiến sĩ tham gia quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Khi được tin Đại tướng, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần, những cựu chiến binh này không khỏi xúc động.   

Ở tỉnh Phú Yên, cùng lứa với ông Lê Thanh Nghiêm, Nguyễn Hồng Thái, có đến hàng ngàn người lính đã từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Ông Nghiêm có hơn 7 năm ở mặt trận khu vực quân khu Đông Bắc Campuchia, bao gồm các tỉnh Mondonkiri, Rattanakiri, Stưng T'reng, Preah Vihear...Gian khổ, ác liệt chưa bao giờ làm ông và đồng đội sờn lòng... Chính sự dũng cảm của những người lính tình nguyện Việt Nam mà Thủ tướng Campuchia, Hun Sen đã gọi bộ đội Việt Nam là "đội quân nhà Phật". Có thể những người lính này chưa được gặp Đại tướng Lê Đức Anh, vị tướng chỉ huy, Tư lệnh Mặt trận 719, nhưng ai cũng cảm phục tài năng và đức độ của Đại tướng.

Là một trong số ít những người lính tỉnh Phú Yên tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia được gặp trực tiếp Đại tướng Lê Đức Anh, đến bây giờ, ông Diệp vẫn xem mình là người may mắn. Lúc đó ông đang là sĩ quan cơ yếu của sư đoàn 315.     

Ông Diệp luôn dành cho Đại tướng một tình cảm đặc biệt. Bởi vì từ ngày vào quân ngũ, tham gia quân tình nguyện, ông luôn nhận được sự quan tâm của Đại tướng. Từ giấy phong quân hàm thiếu úy đến huân chương chiến công hạng Nhất mà ông nhận được đều có chữ ký của Đại tướng. Thế nhưng, một kỷ niệm sâu sắc khác mà ông vẫn luôn trân trọng cất giữ là tấm hình này. Đó là năm 1996, khi ông làm Trưởng ban cơ yếu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, ông may mắn gặp lại Đại tướng nhân chuyến thăm, làm việc tại Phú Yên và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trên cương vị là Chủ tịch nước.   

Tài năng, bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, có những quyết định quan trọng vào những thời điểm khó khăn nhất...Đó là những từ, ngữ mà những cựu chiến binh dành cho Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Điều ấy không chỉ là sự kính trọng của những  người lính mà còn là của các tầng lớp nhân dân trước sự ra đi của Nguyên Chủ tịch nước. 

Lưu Khánh-Lê Hùng