Tây Hòa: Khó ngăn chặn dịch bệnh trên cây sắn

10:56, 09/04/2019 [GMT+7]

 

Tây Hòa: Khó ngăn chặn dịch bệnh trên cây sắn
Tây Hòa: Khó ngăn chặn dịch bệnh trên cây sắn

 

Bệnh khảm lá sắn đã và đang gây hại cho nhiều diện tích sắn trên địa bàn huyện Tây Hòa và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tuy nhiên việc ngăn chặn dịch bệnh lúc này lại đang gặp nhiều khó khăn.

Diện tích sắn này được xác định là nhiễm bệnh khảm lá sắn, tỉ lệ nhiễm bệnh lên đến 60 – 70%. Biểu hiện của bệnh này đó là lá bị mất chất diệp lục, chậm phát triển và đến thời điểm thu hoạch thì gần như không có sản lượng. Theo Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Tây Hòa, đây là loại bệnh mới xuất hiện trên địa bàn huyện, nguyên nhân có thể từ việc mua phải cây giống bị nhiễm bệnh trước đó.

Thống kê sơ bộ ban đầu, diện tích sắn phát hiện nhiễm bệnh khảm lá sắn trên địa bàn huyện Tây Hòa là hơn 70ha. Hiện tại, huyện Tây Hòa cũng như các xã có diện tích sắn bị nhiễm bệnh đều đã thành lập Ban chỉ đạo ngăn chặn bệnh. Chính vì bệnh do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị nên giải pháp được đưa ra lúc này là vận động nông dân tự tiêu hủy diện tích sắn đã nhiễm bệnh. Việc này đã được thực hiện với 30ha sắn ở xã Sơn Thành Đông, nhưng khó khăn nhất lúc này chính là ngăn chặn bệnh lây lan ở hơn 40ha sắn phân bố rải rác ở các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây và Hòa Thịnh.

Trong khi đó, không ít nông dân mặc dù biết tình trạng bệnh, nhưng nếu nhổ bỏ hết toàn bộ diện tích sắn, thời điểm này, họ buộc phải bỏ đất trống vì không kịp cho đợt sắn mới. Việc chuyển qua các loại cây trồng khác cũng không dễ dàng vì gặp vấn đề nước tưới. Trong khi ước tính, từ lúc bắt đầu vụ sắn, chi phí nông dân bỏ ra cho làm đất, cây giống ít nhất là 2 – 3 triệu đồng. Không ít diện tích trồng sắn còn là đất đấu giá thuê của xã, 1,5 triệu/sào/năm.

Theo đại diện ngành nông nghiệp, loại virus gây bệnh này có thể lây lan qua 2 con đường, một là lây qua loài bọ phấn trắng gây hại từ cây bệnh sang cây không bệnh, hai là nếu người dân không biết lấy lại cây bệnh làm cây giống, sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Đáng lo ngại, con số thống kê 70ha sắn nhiễm bệnh chỉ là sơ bộ ban đầu, có thể số diện tích thực nhiễm bệnh hiện còn nhiều hơn. Việc chậm tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh lúc này càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh trên nhiều diện tích sắn khác. Điều này chắc chắn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân mà ngành nông nghiệp sẽ càng gặp khó hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng./.

Hồng Thủy – Thế Hoan