Đổi mới cách dạy và học – Nhìn từ kỳ thi THPT Quốc gia 2018

08:04, 30/06/2018 [GMT+7]

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã kết thúc, thế nhưng xung quanh đề thi năm nay thì vẫn còn không ít bàn cãi. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cho rằng, đề bám sát chương trình đã học, mức độ phân hóa cao, thì vẫn không ít ý kiến tỏ ra không đồng tình vì cho rằng đề quá khó. Vấn đề đặt ra là liệu cách dạy và học trong thời gian tới sẽ phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp?

Đổi mới cách dạy và học – Nhìn từ kỳ thi THPT Quốc gia 2018
Đổi mới cách dạy và học – Nhìn từ kỳ thi THPT Quốc gia 2018

 

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018, đoạn trích đọc hiểu không có trong sách giáo khoa. Mặc dù khá sát với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng để đạt điểm cao đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm kiến thức mà còn phải biết vận dụng kỹ năng xử lý đề bài, lập luận và móc nối kiến thức ở cả lớp 11 và 12. Còn bài nghị luận xã hội về “sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân hiện nay”, cũng đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội nhất định, theo dõi sát những vấn đề mang tính thời sự, đồng thời, có cách lập luận chặt chẽ, sắc sảo mới có thể làm tốt bài thi.

Riêng với đề thi môn Toán, được nhiều người đánh giá là khó nhất trong tất cả các đề thi THPT Quốc gia năm nay. Một số câu hỏi trong đề thi phải sử dụng mẹo để làm dạng Toán trắc nghiệm, điều này ảnh hưởng lớn đến cách dạy và học hiện nay. Việc định hướng dạy học trong thời gian tới cũng sẽ gặp khó khăn.

Đề thi các môn dài, khó, đó là nhận xét chung của đa số thí sinh tham dự kỳ thi THPT vừa qua. Các giáo viên chuyên môn cũng khẳng định, cách ra đề thi năm nay có nhiều điểm mới, nhưng thí sinh muốn đạt điểm cao thì vừa phải nắm vững  kiến thức vừa phải có kỹ năng xử lý đề thi. Với cách học như lâu nay khó có thể giải quyết tốt đề thi này. Vấn đề đặt ra là trong thời gian tới việc đổi mới cách dạy và học như thế nào cho phù hợp?

Đây là năm thứ 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kỳ thi chung THPT quốc gia để vừa làm cơ sở xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh cao đẳng, đại học. Những bất cập trong thi cử lâu nay cũng đã dần dần được điều chỉnh theo hướng vừa tạo điều cho thí sinh, vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn những bất cập nảy sinh, cần phải tiếp tục được điều chỉnh để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện./.

Nguyễn Hiền – Lê Hùng