Giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 12

18:33, 21/11/2017 [GMT+7]

    Sáng 21/11, PCT UBND tỉnh Trần Hữu Thế chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 12. Với những thiệt hại nặng nề do bão số 12 gây ra, Phú Yên cần nguồn lực đủ mạnh và cơ chế đặc thù trong xử lý nợ thì mới mong sớm ổn định sản xuất. Đây cũng là ý kiến các đại biểu nêu ra tại hội nghị.

PCT UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu tại cuộc họp
PCT UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu tại cuộc họp


         Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp tỉnh với giá trị thiệt hại trên lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản là gần 2.500 tỷ đồng, trong đó có 9600 khách hàng có vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiêph bị thiệt hại với giá trị thiệt hại từ nguồn vốn vay là 460 tỷ đồng. Mong muốn lớn nhất của người dân bị thiệt hại là có phương án gia hạn nợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới để tái sản xuất. Ông Lâm Duy Dũng, PCT UBND thị xã Sông Cầu- địa phương thiệt hại nặng nhất về thuỷ sản kiến nghị: Hơn lúc nào hết các ngân hàng cần có cơ chế xử lý nợ và cho vay mới để người dân tái đầu tư sản xuất. Bởi có nuôi lại người dân mới có cơ hội trả nợ.

         Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, với mức độ thiệt hại do bão số 12 gây ra cho tỉnh Phú Yên, tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo Nghị định 02. Tuy nhiên về cơ chế xử lý nợ, cần phải áp dụng các cơ chế xử đặc thù thì mới mong giảm bớt khó khăn cho người dân trong lúc này. Ông Nguyễn Văn Hàn, GĐ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên nói: "Đầu tiên là phải cơ cấu lại ngay cái nợ. Thứ hai là tiến hành các thủ tục để đề nghị Chính phủ khoanh nợ, còn việc cho vay mới là phải tuân thủ theo quy hoạch, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Đồng thời cái này là kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù trong cho vay mới ấy, một cơ chế như Nghị định 67".

         Ở các huyện, thị ven biển, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề về thuỷ sản. Ngoài 140 tàu bị đánh cá bị chìm, toàn tỉnh có gần 90.000m3 lồng bị thiệt hại với hơn 788 ngàn con tôm thương phẩm và gần 22.000 con tôm hùm ương bị thiệt hại. Gần 250ha ao đìa bị vỡ. Tổng giá trị thiệt hại trên lĩnh vực thuỷ sản là hơn 379,5 tỷ đồng. Giải pháp khôi phục sản xuất khu vực này ra sao, ông Trần Hữu Thế, PCT UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Giải pháp trước mắt là cố gắng vận động người dân nuôi trồng đúng quy hoạch. Và hiện nay các ngân hàng đang tập trung rà soát các đối tượng theo đúng hồ sơ để thực hiện tái cấp vốn cho phù hợp.

         Cũng trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vấn đề người dân lo nhất hiện nay là thiệt hại do bão số 12 gây ta trên diện tích gần 26.000ha cây trồng hằng năm, bao gồm cả mía và sắn. Trong khi đó, hầu hết người dân trồng mía đều nhận đầu tư vốn từ các nhà máy chế biến mía đường và trả lại nợ đầu tư khi đến vụ thu hoạch. Nhưng với những thiệt hại nặng nề như hiện nay, khả năng trả nợ trong vụ tới là rất khó khăn. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn này, ông Trần Hữu Thế, PCT UBND tỉnh Phú Yên cho biết UBND tỉnh sẽ làm việc với các nhà máy chế biến mía đường trong tỉnh như KCP, nhà máy đường Tuy Hoà để có phương pháp tài chính, phương pháp thu nợ phù hợp để người dân có thể tiếp tục tái sản xuất trong năm tới.

         Đối với các cây công nghiệp dài ngày, cơn bão số 12 đã phá huỷ trên 7.739 ha cây lâu năm, phần lớn là cao su, hồ tiêu được trồng tại các xã miền núi. Bài toán đặt ra lúc này cho ngành nông nghiệp tỉnh là làm thế nào để xử lý các vườn cao su sau bão. Bởi với thiệt hại hơn 50% thì cao su không thể phục hồi. Nhưng nếu trồng cây khác thì phải có phương án xứ lý nợ cũ mà người dân đã vay để trồng và chăm sóc cây cao su trước đó. Ở đây, ngoài các ngân hàng thương mại cho vay vốn theo kênh thương mại, cần có ý kiến của Bộ Tài Chính là đơn vị uỷ thác cho ngân hàng Nông nghiệp đầu tư trồng cao su tiểu điền.

         Rõ ràng với những thiệt hại nặng nề do bão gây ra cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh, khó có thể khôi phục trong ngày một ngày hai. Trước mắt, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ Phú Yên khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất. UBND tỉnh lưu ý, trong điều kiện thiên tai liên tiếp gây thiệt hại cho sản xuất như thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương phải tính toán lại quy mô sản xuất, có hướng chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay./.

Bài và ảnh Lê Biết - Đức Hưng