Tiếp sức kinh doanh cuối năm hạn chế tín dụng đen |
Sau 1 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Với quyết tâm đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, tuyệt đối không để người dân lâm vào tình trạng tiếp cận tín dụng đen, các đơn vị gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được tín dụng qua các kênh chính thức.
Sau 1 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, bà Trính, xã Hoà Kiến Tp Tuy Hoà vẫn chật vật về kinh tế. Bà chia sẻ, thời điểm cuối năm bà rất cần vốn để trồng hoa cúc mong muốn kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới nên nhìn những tờ rơi dán trên trụ điện bà muốn gọi điện để vay nhanh. Tuy nhiên về trao đổi với gia đình và trực tiếp đến Ngân hàng để tư vấn thì may mắn bà chưa va vào “tín dụng đen”. Đặc biệt mới đây bà đã được Ngân hàng CSXH Phú Yên giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm nhanh chóng để trồng 200 chậu hoa cúc đại đoá.
Mới đây tại xã Hoà Kiến, TP. Tuy Hòa, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên đã tổ chức giao dịch và giải ngân nguồn vốn cuối năm cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hỗ trợ tạo việc làm... nhằm giúp người dân nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế. Được giải ngân 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, bà Hồ Thị Nguyệt, xã Hoà Kiến đã quyết định dùng số vốn này để chăn nuôi và trồng các loại rau ngắn ngày để phục vụ thị trường từ đây đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng và đơn giản hóa thủ tục cho vay dịp cuối năm nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. Từ đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống thuận lợi hơn. Riêng Ngân hàng CSXH chi nhánh Phú Yên, để tiếp tục góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, mới đây đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện bổ sung 30 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách tỉnh để cho vay hỗ trợ tạo việc làm hiện nay còn thiếu so với nhu cầu.
Thời điểm này, tùy theo năng lực, khả năng tài chính của mình, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh còn chủ động cân đối thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Đặc biệt tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng./.