Triển vọng mô hình nuôi chồn hương ở xã nông thôn mới

11:18, 06/05/2022 [GMT+7]

 

Triển vọng mô hình nuôi chồn hương ở xã nông thôn mới
Triển vọng mô hình nuôi chồn hương ở xã nông thôn mới

 

Trong quá trình phát triển kinh tế, bên cạnh các loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, nhiều nông dân cũng chủ động nghiên cứu, học hỏi và phát triển thêm những mô hình vật nuôi mới để cải thiện thu nhập. Một trong những mô hình đang được nhiều nông dân trên địa bàn triển khai và cho thu nhập khá chính là mô hình nuôi chồn hương. Tại xã An Hiệp, huyện Tuy An, từ vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mô hình này ngày càng được nhân rộng, mở ra nhiều triển vọng về kinh tế cho người dân ở xã nông thôn mới này.

Cách đây 5 năm, nhận thấy thu nhập từ công việc làm công ăn lương không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Tâm quyết định chăn nuôi thêm để tăng thu nhập. Qua tham khảo trên mạng, nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi chồn hương, nên anh chị quyết định tìm hiểu quy trình và đầu tư nuôi. Từ vài cặp nuôi ban đầu, đến nay, vợ chồng chị đã gầy được hơn 30 con, trong đó 20 chồn hương cái, ước tính mỗi năm, từ việc bán con giống và bán thịt mang lại thu nhập cho vợ chồng chị khoảng 200 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả, gia đình anh Phan Minh Lượm cũng học hỏi làm theo. Anh Lượm chia sẻ, trước đây, vợ chồng anh lao động tự do, công việc lúc có lúc không, từ ngày đầu tư phát triển nuôi chồn hương, vợ chồng anh có được nguồn thu nhập ổn định. Vì là vật nuôi mới nên thời gian đầu anh cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên qua thời gian, khi đã hiểu rõ vật nuôi, mọi việc trở nên thuận lợi hơn.
Từ một, hai hộ chăn nuôi, đến nay, trên địa bàn xã An Hiệp đã có hơn 20 hộ dân phát triển mô hình nuôi chồn hương này. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, xã An Hiệp cũng triển khai hỗ trợ nguồn vốn cho một số hộ dân để đầu tư phát triển, góp phần cải thiện thu nhập.

Đại diện UBND xã cho biết, ngoài hỗ trợ nguồn vốn, xã cũng sẽ triển khai thêm các chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi chồn đạt hiệu quả cho người dân, từ đó, tạo thêm một hướng đi mới phát triển kinh tế ổn định, lâu dài cho người dân trên địa bàn./.

Hồng Thủy – Đức Hưng