Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030” ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên cả nước. Bởi thông qua chương trình này sẽ góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng NTM bền vững. Tại tỉnh ta, thực hiện chương trình này, nhiều sản phẩm địa phương được hỗ trợ mở rộng sản xuất theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.
|
PHÚ YÊN TẬP TRUNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM |
Hình thành từ hàng trăm năm nay, các làng nghề nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu); làng nghề nước mắm Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An); Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) … với hàng trăm hộ chuyên làm nghề mắm với những nhãn hiệu khá nổi tiếng đưa ra thị trường không dưới 3 triệu lít mắm/năm, vừa phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, vừa làm quà tặng cho du khách.
Tỉnh ta còn có nhiều sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh phát triển như gạo chất lượng cao An Nghiệp (huyện Tuy An), gạo thơm Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) và nhiều sản phẩm khác…Theo nhiều HTX NN, xây dựng thương hiệu gạo thơm, gạo chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; đây chính là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau thời gian nỗ lực, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 3 sao, 4 sao. Hiện các sản phẩm này được tỉnh hỗ trợ tham gia diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu, mở rộng thị trường.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang góp phần thúc đẩy tái cơ cấu trong nông nghiệp. Đồng thời phát triển mỗi xã một sản phẩm còn giúp tạo việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập, giảm nghèo và tạo điều kiện cho lao động trẻ ở nông thôn có điều kiện khởi nghiệp. Chương trình nay đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế từ mỗi địa phương theo hướng tăng giá trị gia tăng./.
Đặng Dự - Như Nguyện