HTX HỖ TRỢ TIÊU THỤ LÚA, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

07:22, 13/10/2021 [GMT+7]

 

HTX HỖ TRỢ TIÊU THỤ LÚA, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
HTX HỖ TRỢ TIÊU THỤ LÚA, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

 

Dịch bệnh COVID-19 cùng lúc bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước khiến hoạt động mua bán của nhiều loại nông sản bị ngưng trệ, trong đó có lúa gạo. Để hỗ trợ người trồng lúa, hội nông dân các địa phương đã làm cầu nối giúp bà con tìm đầu mối tiêu thụ lúa thông qua kênh các hợp tác xã nông nghiệp. Hoạt động này không chỉ giúp cho bà con nông dân có được đầu ra ổn định, bù đắp được phần nào khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hợp tác xã nông nghiệp Đất Phú, huyện Phú Hòa chuyên thu mua và chế biến lúa gạo. Với năng lực thu mua 100 tấn lúa/ ngày, đơn vị đã đứng ra thu mua toàn bộ lúa cho bà con trên địa bàn xã Hòa Quang Bắc với mức giá từ 6.200 đồng đến 6.700 đồng/ký, cao hơn giá thị trường và hỗ trợ một phần công vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy, cho dù hiện tại hợp tác xã vẫn còn tồn đọng khoảng 1.000 tấn lúa chưa tiêu thụ được vì dịch bệnh.

Lúa tươi được hợp tác xã nông nghiệp Đất Phú thu mua, sau đó  đưa vào sấy trên hệ thống lò sấy lúa công suất 30 tấn/ngày, đêm. Lúa được sấy khô đạt tiêu chuẩn nên khi lưu kho không bị ẩm mốc, hư hỏng. Khi thị trường các tỉnh phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu, hợp tác xã sẽ tiến hành xay xát thành gạo thương phẩm. Sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn hiệu, thương hiệu riêng. Với chuỗi chế biến lúa gạo hoàn toàn khép kín này, giá trị của hạt lúa đã nâng lên đáng kể. Trung bình mỗi tấn lúa, sau khi chế biến thành gạo thương phẩm, giá trị đã tăng lên gấp 2 đến 3 lần.

Lúa là loại nông sản đặc biệt vì ngoài giá trị hàng hóa, cây lúa còn giúp ổn định lương thực tại chỗ cho người dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Do vậy, cùng với việc kết nối các đầu mối tiêu thụ, các địa phương cũng tìm mọi cách tạo điều kiện để các đơn vị thu mua, chế biến lúa gạo vận chuyển sản phẩm một cách kịp thời đến những thị trường đang có nhu cầu lớn.

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp và sự san sẻ hỗ trợ cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, vùng trồng lúa ở tỉnh ta đã giữ được ổn định. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các địa phương thay đổi cách tư duy trồng lúa đó là phải đẩy mạnh hoạt động canh tác nông nghiệp sạch gắn với cơ giới hóa, giảm bớt chi phí, hạn chế thiệt hại và tăng cường đầu tư chế biến sâu để khai thác được tối đa giá trị lợi nhuận từ hạt lúa.

Đặng Dự