Ứng dụng CNTT trong quản lý tiêm chủng Covid-19

10:57, 16/08/2021 [GMT+7]

Sáng ngày 14/8, tại điểm tiêm chủng Covid-19 Trường CĐ Y tế Phú Yên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Viettel Phú Yên triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiêm chủng thông qua Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Dữ liệu người đi tiêm chủng được cập nhật trên hệ thống, các thao tác của người dân khi đi tiêm được thực hiện phần lớn qua điện thoại thông minh cá nhân, người dân còn có thể nhận chứng nhận đã tiêm chủng Covid-19 qua app điện thoại. Nền tảng tiêm chủng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện trong bối cảnh giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Ứng dụng CNTT trong quản lý tiêm chủng Covid-19
Ứng dụng CNTT trong quản lý tiêm chủng Covid-19

 

Đến điểm tiêm chủng, sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code tại điểm tiếp đón, ngay lập tức người dân sẽ nhận được số thứ tự tiêm chủng, biết được hiện có bao nhiêu người chờ trước mình. Nhờ đó, người dân có thể chủ động canh thời gian đến tiêm, không phải chờ đợi quá lâu. Đây là phần tối ưu của Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được Viettel Phú Yên triển khai tại tỉnh ta nhằm phân luồng, tránh việc tập trung đông người tại các điểm tiêm chủng như trước đây.

Bước thứ 2, người dân được hướng dẫn cài app Sổ Sức khỏe điện tử để khai báo y tế trước khi tiêm chủng, đồng thời theo dõi phản ứng sau tiêm, nhận chứng nhận tiêm chủng điện tử cũng qua app này. Những người không có điện thoại thông minh sẽ được hướng dẫn khai báo y tế bằng giấy. Tuy vậy, lượng giấy tờ sử dụng tại điểm tiêm cũng được giảm đi đáng kể, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh qua các giấy tờ thủ công.

Triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, dữ liệu cá nhân của người đi tiêm chủng đã được đưa lên hệ thống, do đó, các khâu tiếp đón được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời tránh được những trường hợp viết tay gây nhầm lẫn, sai sót thông tin... Các thông tin sức khỏe khi khám sàng lọc trước tiêm của mỗi người dân cũng được bác sĩ thực hiện nhập trực tiếp lên hệ thống và lưu vào hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người, thuận tiện cho công tác quản lý cũng như theo dõi sức khỏe của người dân khi đi tiêm chủng Covid-19 và cả về sau.

Tính đến ngày 12/8, tổng dữ liệu tiêm chủng Covid-19 đã cập nhập lên hệ thống của tỉnh là 13.790 người, chiếm 15,69%, và các đơn vị đang tăng cường cập nhật dữ liệu tiêm chủng lên hệ thống. Người dân có thể tra cứu “Chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19” của mình trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 sẽ có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh.

Thời gian tới, khi tỉnh triển khai tiêm chủng đại trà, người dân có thể đăng ký tiêm chủng trên app Sổ Sức khỏe điện tử sẽ được cơ quan chức năng lên danh sách và gọi điện hoặc nhắn tin thông báo lịch tiêm cụ thể cho mỗi người dân. Việc cho phép đăng ký trước thông qua ứng dụng điện thoại giúp hạn chế tương tác giữa người đi tiêm và người phụ trách xác nhận thông tin, giảm bước nhập liệu so cách làm thông thường. Việc người dân trực tiếp nhập thông tin của mình cũng giúp giảm thiểu sai sót, bảo đảm tính chính xác của thông tin. Với ngành Y tế, nền tảng này đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu.

Ngọc Hiền- Bảo Lâm