Giáo dục tài chính cá nhân cho học sinh: Kỹ năng cần thiết

12:30, 12/12/2022 [GMT+7]

 

Giáo dục tài chính cá nhân cho học sinh: Kỹ năng cần thiết
Giáo dục tài chính cá nhân cho học sinh: Kỹ năng cần thiết

 

Trong xã hội hiện đại, quản lý tài chính là một trong những kỹ năng cần thiết không chỉ với người trưởng thành mà ngay cả với trẻ em. Đó cũng là mục tiêu mà các giảng viên của Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên muốn mang đến cho học sinh các Trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh trong chương trình Giáo dục tài chính cho học sinh.

Hào hứng tham gia thuyết trình với chủ đề: Em sẽ làm gì với 500.000 đồng được nhận lì xì vào đầu năm mới, nhóm của em Lê Đỗ Đan Thảo, học sinh lớp 7B, Trường tiểu học và THCS Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa đã vạch ra khá nhiều kế hoạch chi tiêu như: quyên góp cho quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn, mua sách tham khảo, mua một món đồ ăn vặt yêu thích… Các bạn cũng trình bày nhiều ý tưởng để kiếm tiền, phục vụ cuộc sống trong tương lai từ việc nỗ lực cố gắng học tập, tìm hiểu thế giới xung quanh. Thông qua chương trình, các em đã hiểu được ý nghĩa của việc tiết kiệm chi tiêu.

Chương trình được thực hiện bằng hình thức thuyết trình, tổ chức cho các em tham gia trò chơi. Học sinh trong lớp được chia thành từng nhóm, lên ý tưởng với các chủ đề khác nhau xung quanh vấn đề tài chính cá nhân. Các thành viên cùng thảo luận và đưa ra các quyết định về việc làm, thu nhập, mua sắm, chi tiêu, tiết kiệm, vay mượn, đầu tư và ứng phó với các tình huống bất ngờ… để đạt được mục tiêu cuối cùng là mang đến chất lượng cuộc sống tốt nhất. Tại nhiều trường học hiện nay việc giáo dục chi tiêu cá nhân cũng được nhà trường lồng ghép vào các buổi ngoại khóa của môn Toán, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội…

Theo lãnh đạo Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, trước khi đến  các trường, đơn vị đã chuẩn bị khá nhiều phương án để có thể chuyển tải cho các em một các đơn giản nhất về tài chính. Tuy nhiên, khi đến thực tế các thầy, các cô, các chuyên gia tài chính thật sự rất bất ngờ vì các em đã có suy nghĩ, nhận định về tiền cũng như cách tiêu tiền hợp lý. Các em mạnh dạn, sôi nổi khi trình bày các sáng kiến của mình. Từ đó cho thấy việc cho trẻ em làm quen với những kiến thức tài chính từ sớm rất quan trọng.

Với chương trình giáo dục mới, học sinh không chỉ được truyền tải, rèn luyện các lý thuyết giáo khoa mà còn được phát triển toàn diện về các kỹ năng. Trong đó, giáo dục tài chính là một trong những nội dung được các thầy cô giáo nhà trường thường xuyên lồng ghép vào các tiết học. Bắt đầu từ những định nghĩa đơn giản như tiền là gì, tiền do lao động mà có, nên phải chi tiêu hiệu quả và có ý nghĩa. Và quan trọng nhất là dạy các em biết những giá trị liên quan đến tài chính như sự chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn../.

Lê Hùng