![]() |
Nhà giáo lan tỏa phương pháp dạy nghề sáng tạo |
Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: Học phải đi đôi với hành, lí luận phải gắn liền với thực tế. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều năm qua đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong dạy và học. Mỗi tiết giảng của giáo viên là sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa kinh nghiệm và sự tìm tòi sáng tạo… Chính những phương pháp lên lớp sáng tạo trong thời đại số đã lan tỏa ngọn lửa ham học hỏi, tìm tòi đến người học, đến những đồng nghiệp tại các trường dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Hàng ngày, dù ở lớp học hay xưởng thực hành, ngoài kiến thức, thầy Võ Quốc Dũng, Trường CĐ Công thương miền Trung còn chỉ bảo các em về những kỹ năng sống. Với thầy, câu chuyện dạy nghề luôn có điểm nhấn là người học. Điện là ngành học mang tính ứng dụng cao, rất thiết thực với đời sống. Chính vì vậy, bên cạnh dạy lý thuyết, thầy dành nhiều thời gian thực hành bằng cách đưa các em đến các công trình mà thầy và các đồng nghiệp nhận bảo trì, sửa chữa để các em làm quen với môi trường thực tế. Khi hiểu rõ về nghề thì các em sẽ yêu thích nghề và nỗ lực hơn trong học tập.
Xuất phát từ ý tưởng không để băng rôn biến thành rác, các giảng viên khoa may – thiết kế thời trang, Trường CĐ Nghề Phú Yên đã tận dụng những tấm băng rôn đã qua sử dụng và thiết kế ra rất nhiều mẫu túi như: giỏ đi chợ, ví tiền, túi đựng kim chỉ, giỏ đựng quần áo.... Quá trình may thực hành giúp các em vừa hoàn thiện tay nghề, vừa nâng cao ý thức hạn chế sử dụng các dạng túi ni lông dùng một lần.
Tại các hội giảng về giáo dục nghề nghiệp, các thầy, các cô lại đưa những kinh nghiệm tích lũy từ quá trình giảng dạy để chia sẻ cùng nhau. Mỗi người một phương pháp truyền đạt, tiếp cận hấp dẫn, những phương pháp hay, mới và có thể nhân rộng ở các đơn vị. Đặc biệt, từ những ưu điểm của hội giảng mang lại các trường có những điều chỉnh phù hợp trong công tác đào tạo.
Quá trình hội nhập đang đòi hỏi các nhà giáo dục nghề nghiệp sự thay đổi tích cực trong chuyên môn để đáp ứng tốt nhất yêu cầu mới. Bên cạnh việc bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ của từng trường học thì tự bồi dưỡng cũng là cách giúp các thầy cô giáo nâng cao trình độ của chính mình. Muốn công tác giảng dạy đạt chất lượng, người thầy phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức mới, áp dụng nhiều phương pháp để truyền lửa, khơi gợi niềm say mê học tập của học sinh – sinh viên, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nghề.../.