Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV lần đầu cho ý kiến về Dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội. Nếu được Quốc hội thông qua vào năm 2023, Luật Đất đai sửa đổi sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất so với quy định hiện hành.
Kỳ vọng những thay đổi từ Dự án luật đất đai sửa đổi |
Gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Song quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế…
Điểm mới được đánh giá cao của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là thể chế hóa chủ trương của Đảng: Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo luật quy định, căn cứ vào nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm.Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, nếu giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đưa ra quy định đối với các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng sẽ phải nộp tiền thuê đất tăng thêm. Nếu càng chậm đưa đất vào sử dụng, khoản tiền thuê đất tăng thêm sẽ càng lớn, tạo áp lực để chủ đầu tư phải nhanh chóng triển khai dự án hoặc trả lại đất cho Nhà nước, từ đó góp phần bảo đảm quỹ đất được sử dụng hiệu quả. Đây là một trong những nội dung mới, quan trọng so với Luật Đất đai 2013 hiện hành.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Cụ thể, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tư; cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023). Với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỳ vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể chế hóa được đầy đủ Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân./.