![]() |
Xây dựng “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” từ nền tảng giá trị truyền thống |
Trong tâm thức của mỗi người Việt, gia đình luôn mang ý nghĩa to lớn, là điểm tựa vững chắc, bến đỗ bình yên trước những sóng gió cuộc đời. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chính vì vậy, vun đắp hạnh phúc gia đình là góp phần xây dựng đất nước. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” càng khẳng định vai trò của gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách, tài năng của mỗi thành viên, đóng góp cho xã hội.
Kết hôn hơn 25 năm, vợ chồng anh Lê Văn Minh và chị Đỗ Thị Trưởng ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa luôn nhường nhịn, yêu thương và vun vén cho gia đình. Theo anh Minh, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, trước tiên bản thân người chồng người vợ phải học cách xây dựng niềm tin lẫn nhau. Bởi đó chính là yếu tố quyết định sự bền vững của cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Theo xu thế phát triển của xã hội, gia đình hạt nhân dần thay thế mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ. Điều đó ít nhiều khiến sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình có khoảng cách. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt trong đời sống hiện đại, các thành viên, nhất là vợ và chồng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc...
Chính những nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hoà thuận, thủy chung, tình nghĩa, sự bảo bọc, lòng yêu thương và đức hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu lễ với cha mẹ, anh em đã xây dựng nên gia đình hạnh phúc trong xã hội hiện đại. Cũng vì lẽ đó, thời gian qua, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp các ban nghành đoàn thể tỉnh thành lập 276 CLB Gia đình phát triển bền vững, 35 Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình góp phần giúp các gia đình xây dựng hạnh phúc bền vững. Từ đó các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã được giảm thiểu đáng kể.
Ngày Gia đình Việt Nam 2022 với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” càng khẳng định vai trò của gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách, tài năng của mỗi thành viên, đóng góp cho xã hội; đồng thời, đề cao những giá trị cốt lõi của gia đình là sức khỏe, hạnh phúc, tạo tiền đề cho một xã hội phát triển lành mạnh, bền vững. Dù cho cuộc sống hiện nay với sự chi phối của nhiều yếu tố, dù văn hóa ứng xử có thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng các đạo lý, nét đẹp văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được./.
Nguyễn Yên – Đắc Lâm