Đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên

13:09, 16/06/2022 [GMT+7]

 

 Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên
Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

 

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ cấp cao đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với vai trò chính trị và uy tín chính trị của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết đã được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) chỉ rõ.

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện quyết liệt; đã xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, có cán bộ, đảng viên là lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Những kết quả đạt được không chỉ khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà còn cho thấy cuộc đấu tranh này được thực hiện quyết liệt, "không có ngoại lệ”; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Để tạo sự đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện chủ trương này, đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa ban hành Quyết định số 622 về việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Theo quyết định, ban chỉ đạo gồm 15 thành viên, do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng ban. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo được thực hiện theo Quy định 67 của Ban Bí thư.

Hiện nay, lợi dụng những bức xúc trong dư luận xã hội về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, một số kẻ đã đưa ra nhiều luận điệu xảo trá để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với những khẩu hiệu như: “Cộng sản không thể phòng chống tham nhũng thành công”; phải thực hiện “xã hội dân sự”, “tam quyền phân lập” để phản biện xã hội và kiểm soát quyền lực… Thực chất, đó chỉ là những luận điệu xuyên tạc hòng lừa bịp người dân và che đậy bản chất phản động của chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tích táo trước các luật điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”. Bên cạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, không vì mục tiêu chung để làm trong sạch bộ máy./.

Nguyễn Hiền – Quốc Hoàn