Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Nhận thức đúng mới hành động đúng

14:21, 16/03/2018 [GMT+7]

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, học sinh có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với thế giới, với tri thức mới và văn hóa nhân loại. Song bên cạnh đó, các em cũng đối mặt với nhiều tác động không tốt từ mạng internet, từ xã hội. Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả, các trường học trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực giúp học sinh có những nhận thức đúng trong suy nghĩ và hành động.

 

Học sinh Trường tiểu học Âu Cơ tặng hoa tri ân thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh: THÚY HẰNG

Nhiều cách làm hay từ nhà trường

 

Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng - Học sinh, sinh viên (Sở GD-ĐT Phú Yên) Phạm Thị Túy Tư cho biết: Thời gian qua, ngành Giáo dục Phú Yên đã có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó đã triển khai Kế hoạch 138 của UBND tỉnh và Quyết định 410 ngày 7/2/2016 của Bộ GD-ĐT về thực hiện đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020. Qua đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực.

 

Nội dung, hình thức giáo dục phong phú, đa dạng, được triển khai sâu rộng trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sinh hoạt Đoàn, Đội, cùng các hoạt động tình nghĩa như tiếp bước đến trường, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, quyên góp giúp đỡ các bạn ở vùng thiên tai, lũ lụt, chung sức vì cộng đồng, hướng về các địa bàn khó khăn giúp đỡ các hộ nghèo… “Các hoạt động đó đã tạo nên xu hướng tích cực về đạo đức và dần dần hình thành trong các em thói quen tốt về những nghĩa cử cao đẹp”, bà Tư nhìn nhận.

 

Điển hình như mô hình “Chúng tôi nói về chúng tôi” của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa). Đây là chương trình ngoại khóa lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần theo các chủ đề, chủ điểm hàng tuần, hàng tháng. Ngoài phần tổng kết, đánh giá và triển khai công tác tuần đến, một nội dung quan trọng và sinh động nữa là tổ chức cho các em sinh hoạt chương trình “Chúng tôi nói về chúng tôi” để làm “mềm hóa” tiết chào cờ đầu tuần.

 

Thầy Lê Thành Phương, Hiệu trưởng trường này cho hay: Tiết chào cờ không chỉ nhận xét, nhắc nhở từ ban giám hiệu, thầy cô, cán bộ Đoàn, mà học sinh cũng được phát biểu, được chia sẻ, giãi bày qua chương trình “Chúng tôi nói về chúng tôi”. Thông qua chương trình này, không chỉ nhà trường chuyển tải được những chủ đề, chủ điểm giáo dục mà còn giúp học sinh có những cách nhìn, nhận diện những điều hay, điều đẹp và cả cái xấu, cái hạn chế trong cuộc sống.

 

Hay như tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, các mô hình Học sinh nhà trường nói không với nói tục, chửi thề; Giáo dục phòng chống tệ nạn mê tín dị đoan và ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại; Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh… đã góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện, hình thành cho các em ý thức và niềm tin, về thái độ ứng xử đúng đắn trong các quan hệ giao tiếp hàng ngày, về hành vi và các kỹ năng hoạt động, tạo cơ sở để học sinh bổ sung và hoàn thiện những kiến thức đã học trên lớp.

 

Nhận thức đúng mới hành động đúng

 

Bên cạnh những thành tựu của ngành Giáo dục như số học sinh học giỏi, chăm ngoan vẫn nhiều… đã góp phần tạo nên những thành quả quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của ngành thì trong bối cảnh hiện nay, những hạn chế, tác động xấu từ môi trường của thời kỳ “mở cửa, hội nhập”, những “tư tưởng văn hóa xấu, ngoại lai”, mặt trái của cơ chế thị trường… có cơ hội xâm nhập nên đây đó còn có những hiện tượng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, thích chạy theo lối sống thực dụng, thậm chí những hành động phạm pháp của “người lớn” đã tác động xấu đến học sinh.

 

Các tệ nạn xã hội có nơi, có lúc đã xâm nhập vào trường học; một số ít học sinh lún sâu vào tệ nạn xã hội, thậm chí đánh cả thầy cô giáo… Số này tuy không phổ biến nhưng có xu hướng gia tăng, làm băng hoại đạo đức, tha hóa nhân cách và tác động xấu tới các giá trị đạo đức truyền thống, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục đạo đức học sinh, đến an ninh trật tự xã hội.

 

Tại Phú Yên, mấy năm gần đây cũng đã có vài vụ việc bạo lực học đường do học sinh quay clip và tung lên mạng gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Đặc biệt, trước tình trạng đạo đức của một bộ phận học sinh đang có xu hướng đi xuống, tình trạng vi phạm pháp luật và tâm lý buồn chán, sống gấp, sống vội ở các em nhiều hơn, thì theo bà Tư, ngành Giáo dục Phú Yên đang đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các lực lượng tham gia giáo dục đạo đức học sinh, xem đây là biện pháp quản lý có ý nghĩa trên hết. Vì có nhận thức đúng mới có hành động đúng, là cơ sở để hướng đến một kết quả hoàn thiện.

 

Hiện các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh xem việc xây dựng môi trường văn hóa trường học là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Thầy Trần Quang Huy, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa), chia sẻ: Khi nhà trường là một môi trường văn hóa học đường có chất lượng thì chắc chắn sẽ loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong.

 

Học sinh đến trường sẽ thấy thích thú hơn, vui hơn, lễ phép hơn, đoàn kết yêu thương, gắn bó với trường lớp hơn. Nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực của nhà trường không thôi là chưa đủ mà cần phải giáo dục mọi lúc, mọi nơi, có sự gắn kết chặt chẽ giữa 3 môi trường nhà trường - gia đình - xã hội. Có như vậy thì việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh mới đem lại hiệu quả.

 

Giáo dục đạo đức cho học sinh là một bộ phận của quá trình giáo dục tổng thể nên cần kiến tạo bầu không khí tâm lý tích cực từ trong nhà trường và ngoài xã hội. Đến trường có nhà trường văn hóa, về nhà có gia đình văn hóa, về địa phương có xã, thôn, khu phố văn hóa, làm được như vậy thì việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sẽ đem lại hiệu quả bền vững.

 

THÚY HẰNG

Nguồn Báo Phú Yên Online