NỮ ANH HÙNG TRÊN ĐẤT KHU 5 – THỜI HOA LỬA

10:13, 08/03/2023 [GMT+7]

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Khu 5 ác liệt, những chiến công luôn có sự đóng góp to lớn của những người mẹ, người chị - những nữ anh hùng. Trong gian khổ hiểm nguy, dưới mưa bom bão đạn, các mẹ, các chị vẫn luôn một dạ kiên trung, anh dũng chiến đấu với kẻ thù xâm lược, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Những người phụ nữ giản dị giữa đời thường nhưng can trường trong chiến đấu, đã góp phần làm nên lịch sử và luôn đọng mãi những câu chuyện về nữ anh hùng trên đất khu 5 thời hoa lửa.

NỮ ANH HÙNG TRÊN ĐẤT KHU 5 – THỜI HOA LỬA
NỮ ANH HÙNG TRÊN ĐẤT KHU 5 – THỜI HOA LỬA

 

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, 14 tuổi, Trần Thị Kim Cúc đã tham gia làm giao liên, đưa thông tin liên lạc cho cách mạng. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn thương tích đầy người, vậy mà bà Cúc vẫn không sợ. Sau khi ra tù được tổ chức đưa đi điều trị bệnh, bà tiếp tục quay lại với công việc giao liên, phục vụ cách mạng cho đến ngày đất nước toàn thắng. Trong những năm tháng sống, chiến đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc, bà Cúc đã vinh dự 8 lần được gặp và trò chuyện với Bác Hồ. Những cử chỉ thân tình, lời hỏi han, động viên và dặn dò của Bác đã trở thành kỷ niệm tuyệt vời không phai trong tâm trí bà.

Đến thăm nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2, Nguyễn Thị Huấn, thật xúc động và tự hào khi nghe bà kể về một thời hoa lửa của những cô gái ở Tiểu đoàn vận tải nữ 232 hay quân dân Khu V quen gọi với cái tên rất đỗi dung dị là "Tiểu đoàn bà Thao". Ngày ấy, các cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi, không sợ rừng sâu, không ngại bom đạn. Các chị vượt hàng chục, hàng trăm cây số mỗi ngày, băng rừng, lội suối hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải vũ khí, hàng hoá 60 - 70kg trên lưng đưa đến các căn cứ. Trong đó bà Nguyễn Thị Huấn được đồng đội phong tặng danh hiệu Kiện tướng gùi hàng "chân đồng, vai sắt" khi chỉ mới 17 - 18 tuổi. Hầu như, hễ nhiệm vụ nào nặng nề nhất, bà cũng là người đảm nhận, liên tục 4 năm làm nhiệm vụ trên chiến trường, trung bình mỗi năm bà Huấn gùi khoảng 20 tấn hàng.

Không chỉ đảm nhận công tác hậu cần, gánh thương, tải đạn, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những nữ quân nhân trên địa bàn Khu 5 còn xung phong ra tiền tuyến, thực hiện các công việc đầy nguy hiểm, gian khổ. Các chị đã cống hiến tuổi thanh xuân trên khắp chiến trường, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Nhiều người trong số đó đã được được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Dũng sĩ diệt Mỹ và các danh hiệu cao quý  khác.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những câu chuyện của thời hoa lửa về nữ anh hùng trên đất khu 5. Họ là những người phụ nữ can trường như bà Trần Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Huấn, sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân tươi thắm góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 để đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Gặp và hiểu hơn những câu chuyện về các chị trong những năm tháng gian khó đầy ác liệt, chúng ta như hiểu hơn những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh. Và điều đó đã trở thành bài học vô giá, giúp thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, tu dưỡng, góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

                                                                                                                                               Tấn Nghĩa