Kỳ 3: Nâng cao cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

11:09, 31/05/2022 [GMT+7]

Loạt phóng sự: “Sập bẫy” lừa đảo trên mạng internet – Người dân đừng cả tin (3 kỳ)

  Kỳ 3: Nâng cao cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Để bảo vệ tài sản, cũng như quyền lợi của người dân trước các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tội phạm công nghệ, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi người dân phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để tự bảo vệ mình, tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo qua mạng internet.

 

.
 

Đội Cảnh sát hình sự thuộc Công an 9 huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh là đơn vị tiếp nhận và thụ lý các trường hợp người dân đến khai báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thiếu Tá Ngô Bình Bắc, Đội Trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Thị xã Đông Hòa cho rằng: Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Đặc biệt, tuyệt đối không truy cập các đường link vay tiền, liên kết trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, ngành chức năng kêu gọi người dân cần hết sức cảnh giác, không nên nghe theo các thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc giao tiếp làm quen với người lạ qua mạng xã hội. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng khuyến cáo người dân không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; không tiết lộ mã pin, mật khẩu cá nhân qua mạng. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm rõ thông tin về đối tượng, tài sản, đồ vật mình cần giao dịch hoặc nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nếu đã chuyển tiền thì phải báo ngay cho ngân hàng phong tỏa số tiền đã chuyển. Đồng thời, báo ngay cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện các đối tượng, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo để xử lý kịp thời.

Để tránh “sập bẫy” các loại tội phạm, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của mỗi người dân để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc./.

Nguyễn Yên –Đắc Lâm