Đào tạo ngư dân chuyên nghiệp - giải pháp khai thác bền vững

20:50, 14/06/2021 [GMT+7]

 

Đào tạo ngư dân chuyên nghiệp - giải pháp khai thác bền vững
Đào tạo ngư dân chuyên nghiệp - giải pháp khai thác bền vững

 

Những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã giúp ngư dân có điều kiên cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn, có công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để lao động đi biển làm chủ thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm bằng công nghệ mới, hướng tới phát triển nghề biển bền vững, thì một vấn đề khá cấp bách được đặt ra là cần có giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân. Khắc phục hạn chế này, ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp các trường Đại học tiến hành đào tạo theo địa chỉ cụ thể đối với những lao động biển giúp ngư dân chuyên nghiệp hơn trong hoạt động khai thác trên biển.

Nhiều năm gắn với nghề đi biển, tuy nhiên, trước đây chỉ quen điều khiển tàu vỏ gỗ và làm theo kinh nghiệm nên khi đầu tư tàu vỏ thép công suất lớn với nhiều thiết bị hiện đại vận hành phức tạp, anh Hiếu đã gặp không ít khó khăn. Phải mất hơn 2 tháng tự tìm hiểu, mày mò theo sổ hướng dẫn sử dụng tàu mới tạm thành thạo việc điều khiển tàu. Do đó, khi có thông báo tổ chức khóa học cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thợ máy tại địa phương anh Hiếu và nhiều ngư dân đã thu xếp chuyến biển để tham gia khóa học nhằm nâng cao kiến thức vận hành tàu cá trên biển.

Với hơn 4 ngàn tàu cá khai thác thủy sản, gần 500 tàu cá trên 15m với hàng ngàn lao động trên biển, trước đây, ngư dân gắn với nghề cá của tỉnh thường làm theo kinh nghiệm nên những trục trặc nhỏ trên tàu có thể khắc phục. Nhưng khi gặp trường hợp máy bị hư hỏng nặng, phức tạp thì hầu như không thể sửa chữa.

Khắc phục khó khăn vận hành, sửa chữa tàu cá của ngư dân cũng như giúp ngư dân đảm bảo quy định tại Thông tư 22 năm 2018 của Bộ NN-PTNT về các chức danh thuyền viên tàu cá hoạt động trên biển, ngành thủy sản tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tại các địa phương theo hình thức linh hoạt từ thời gian tổ chức lớp học, đến cách giảng dạy... đã giúp nhiều ngư dân nâng cao được kiến thức, an tâm hơn khi đi biển.

Theo Chi cục thủy sản tỉnh, thông qua các khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy ngoài giúp ngư dân có thêm nhiều kiến thức, an tâm đi biển; ngư dân cũng được tiếp cận công nghệ đánh bắt mới nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm thủy sản, góp phần cải thiện cảnh báo thẻ vàng của EC đối với thủy sản xuất khẩu nước ta.

Phú Yên có đội tàu khai thác xa bờ khá lớn. Nếu ngư dân vẫn giữ kiểu làm nghề khai thác dựa trên kinh nghiệm mà chưa làm chủ được công nghệ khai thác, chưa nắm bắt các quy định trong khai thác, thì chẳng những khai thác không hiệu quả mà xa hơn, còn khó đáp ứng những yêu cầu đối với nghề cá hội nhập với thế giới. Do đó, các lớp học dành cho ngư dân phù hợp với nhu cầu thực tế, được cho là cách để lấp dần khoảng trống này.

An Bang - Quốc Hoàn