Vai trò của Già làng, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao Phú Yên

10:26, 06/09/2019 [GMT+7]

 

Vai trò của Già làng, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao Phú Yên
Vai trò của Già làng, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao Phú Yên

 

Tại những địa bàn miền núi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống, vai trò người có uy tín trong đồng bào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, họ được xem là cầu nối để chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam cách đây 73 năm.

Đây là một trong những buôn nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của các huyện miền núi Phú Yên. Để có được kết quả này có vai trò tích cực của các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng. Họ tuyên truyền, vận động bà con chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, xóa bỏ các tập tục lạc hậu cũng như bảo tồn các bản sắc dân tộc trên địa bàn…

Mấy chục năm nay, già làng La Văn Lung thường xuyên đến từng hộ gia đình vận động bà con vay vốn làm kinh tế, không sinh con thứ 3, đàn ông không uống rượu say xỉn, cha mẹ chăm lo cho con trẻ đến trường… Nghe theo lời già làng, thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân bây giờ, nhiều gia đình tập trung làm kinh tế thoát nghèo. Một nếp sống mới đã hình thành trong đồng bào dân tộc Bana nơi đây, người dân đã biết ăn ở hợp vệ sinh, biết chăm chỉ làm ăn, con trẻ được tạo điều kiện cắp sách đến trường…

Toàn tỉnh  hiện có hơn 119 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Vai trò của người có uy tín rất quan trọng đối với các hoạt động cần sự đồng thuận của cộng đồng. Do vậy, hiện nay, tỉnh cũng như các huyện miền núi tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ các già làng, người có uy tín nâng cao kiến thức và kinh nghiệm để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao hơn.

73 năm trước, ngày 19/4/1946, trong Thư gửi tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Tp. Plâycu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Nhớ lời căn dặn của Bác, những già làng, người có uy tín không ngại khó, ngại khổ, vẫn miệt mài, kiên trì đem điều hay, điều tốt đến với bà con và gắn chặt tình đoàn kết trong từng buôn làng. Sự tin tưởng của người dân chính là phần thưởng lớn nhất dành cho họ…

Hồng Thủy – Thế Hoan