Công bố sơ bộ kết quả khảo cổ học di tích Đồng Miếu

14:55, 24/07/2019 [GMT+7]

 

Công bố sơ bộ kết quả khảo cổ học di tích Đồng Miếu
Công bố sơ bộ kết quả khảo cổ học di tích Đồng Miếu


Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa nói chung và và các di tích thuộc nền văn hóa Chăm trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong tháng 7/2019 Bảo tàng Phú Yên phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di tích Đồng Miễu thuộc địa bàn thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Kết quả này khẳng định việc tồn tại thêm một di tích Chăm trên vùng đất Phú Yên và mở ra nhiều vấn đề trong công tác nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hoá Chăm tại Đồng Miễu nói riêng và hệ thống di tích Chăm nói chung trên vùng đất Phú Yên. 

 

Tại vị trí khai quật, trên diện tích khoảng 33m2  các nhà khảo cổ đã phát hiện được dấu tích của một công trình kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa, phần còn lại của dấu tích này có chiều cao khoảng 2,3m với các phần móng tháp, đế tháp và một phần thân tháp. Phần kiến trúc xuất lộ trong hố khai quật được xây dựng bằng loại gạch có kích thước lớn với chiều dài khoảng 40cm, chiều rộng khoảng 20cm và chiều dày khoảng 8cm. Dựa vào dấu tích xuất lộ trong hố khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã xác định được bình đồ của kiến trúc với diện tích khoảng 6m x 6m, và với chiều dày của tường khoảng 1,5m thì cũng đã xác định được lòng kiến trúc có diện tích 3m x 3m.Trong hố khai quật còn tìm thấy một số mảnh đồ gốm in hoa văn kiểu gốm Hán có niên đại vào thế kỷ 4.Từ những dấu tích phát hiện và thu nhặt được trong hố khai quật, các nhà nghiên cứu đã nhận định dấu tích kiến trúc phát hiện tại di tích Đồng Miễu là phần còn lại của một ngôi tháp Chăm có niên đại vào khoảng thế kỷ 4.

Tại buổi công bố, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá địa phương cho rằng, từ trước đến nay việc nghiên cứu về văn hoá Chăm đã có những thành tựu rất lớn. Các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã xác định được các phong cách kiến trúc Tháp Chăm, ứng với mỗi phong cách là một niên đại. Ngoài ra, việc nghiên cứu cũng cần đặt trong tổng thể hệ thống các di tích Chăm nằm ở lưu vực Sông Ba. Bởi vậy những nhận định ban đầu di tích Đồng Miễu như trên có thể là một nét mới nhưng cần phải có những cơ sở khoa học đầy đủ và chắc chắn để thuyết phục giới khoa học, trong đó việc xác định niên đại bằng phương pháp C14 được xem là đáng tin cậy.

Theo lãnh đạo huyện Phú Hoà, đây là một phát hiện rất mới, bởi vậy huyện Phú Hoà mong muốn các nhà khoa học sớm xác định chính xác niên đại của di tích và có báo cáo chính thức. Đồng thời cho biết, với việc phát hiện di tích Chăm tại Đồng Miễu đặt ra cho huyện những công việc tiếp theo trong công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích này.

Từ kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học kiến nghị tỉnh Phú Yên cần cắm mốc bảo vệ di tích, có kế hoạch tiếp tục khai quật, nghiên cứu di tích Đồng Miễu và vùng phụ cận, đồng thời lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản cấp tỉnh.

Tại buổi công bố, ông Phan Đình Phùng, PCT UBND tỉnh cho rằng, đây là những kết quả sơ bộ nhưng mở ra rất nhiều hy vọng trong công tác nghiên cứu văn hoá Chăm trên vùng đất Phú Yên. Do vậy cần có những nghiên cứu tiếp theo để xác định giá trị thực sự của di tích, làm cơ sở cho việc bảo tồn phát huy sau này. Đồng thời giao nhiệm vụ cho ngành Văn hoá cần có một kế hoạch tổng thể cho di tích này.

Sau cuộc khai quật lần này, chủ trì cuộc khai quật cùng các cộng sự tiếp tục công tác nghiên cứu, bổ sung các tài liệu khoa học để có báo cáo chính thức. Phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chăm tại Đồng Miễu nói riêng, cùng hệ thống các di tích Chăm pa nói chung trên vùng đất Phú Yên./.                                                                                                     

Lê Biết - Hoàng Trúc