Cấp bách bảo vệ tôm hùm nuôi tại vùng nuôi Sông Cầu

10:30, 11/04/2019 [GMT+7]

 

Cấp bách bảo vệ tôm hùm nuôi tại vùng nuôi Sông Cầu
Cấp bách bảo vệ tôm hùm nuôi tại vùng nuôi Sông Cầu

 

  Trong những ngày qua, ở vùng nuôi tôm hùm Vịnh Xuân Đài, đặc biệt ở xã Xuân Phương– nơi có lồng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên xảy ra tình trạng tôm  hùm  chết hàng loạt.  Hàng loạt biện pháp được cơ quan chức năng và người dân triển khai, nhưng với tình trạng vùng nuôi bị  ô nhiễm kết hợp với lượng lồng tôm thả trên Vịnh Xuân Đài  quá dày, thì những giải pháp hạn chết tôm hùm chết triển khai lúc này vẫn chỉ là hướng giải quyết tạm thời. Cần một giải pháp bền vững cho vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu.

Gần một tuần xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt ở hai vùng nuôi Bãi Đồng và Hòn Con thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông  Cầu. Hiện tượng tôm hùm chết còn xuất hiện rải rác, nhưng đã giảm. Tuy nhiên, số lượng tôm chết ở vùng nuôi này cũng lên đến khoảng 5-7 tạ mỗi ngày và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hẳn bởi môi trường vùng nuôi đang diễn biến rất phức tạp.

Tôm hùm chết ở xã Xuân Phương xảy ra vào thời điểm nước ở vùng nuôi này có hiện tượng đỏ, trời đứng gió.  Đỉnh điểm thiệt hại là cuối tháng 3 đầu tháng 4/2019. Theo thống kê chưa đầy đủ của trạm thú y thị xã Sông Cầu, đến đầu tháng 4/2019 có ít nhất 27 hộ nuôi  bị thiệt hại với gần 13.000 tôm hùm bị chết, trong đó có 2.160 con tôm thịt loại 0,3-0,8kg/con và  gần 11.000 con tôm hùm con, ước thiệt hại ban đầu khoảng 3,6 tỷ  đồng. Người ít bị thiệt hại vài trăm con, nhiều đến cả ngàn con.

Tại xã Xuân Phương, nhiều điểm thu gom tôm hùm chết trong những ngày này.  Mỗi điểm trung bình mỗi ngày thu mua từ vài tạ đến cả tấn tôm hùm chết với các biển hiện tôm bị ngộp, gãy râu và phổ biến nhất là đầu tôm bị bám đầy hàu chỉ- dấu hiệu của vệ sinh kém, môi trường bẩn. 

Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm giống và kỹ thuật thuỷ sản Phú Yên đợt đầu tháng 4/2019, cho thấy, mặt nước vịnh Xuân Đài thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Yên có  hàm lượng khí độc rất cao, lượng ô xy hòa tan trong nước rất thấp, có thời điểm dưới 2mg/l, mật độ vi khuẩn Vibrio cao. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt.

Trước tình trạng tôm hùm chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường, làm gì để giảm thiệt hại, bảo vệ tôm hùm trong mùa nắng nóng này. Rất nhiều biện pháp được triển khai tại vùng nuôi tôm hùm Xuân Phương. 

Mặt nước vùng nuôi tôm Xuân Phương thời điểm nắng nóng, màu nước thay đổi liên tục theo giờ. Chỉ trong buổi sáng ngày 09/4, khi phóng viên có mặt tại các vùng nuôi Vũng Mắm, Bãi Đồng và Hòn Con, màu nước thời điểm trời đứng gió và gần bờ có màu đỏ sẫm, càng ra xa bờ nước xanh trong hơn. Cả vùng nuôi Bãi Đồng và Hòn Con mấy ngày trước dày đặc lồng nuôi thì lúc này đã trống chỗ, chỉ còn lại rong nhớt nổi dày trên mặt nước.

Số lồng tôm đã được bà con dịch chuyển ra xa bờ hơn và đưa lên cao cách đáy. Lồng tôm thịt được bà con nâng lên, cách mặt nước 0,8-1,2m để tôm đủ ô xy. Tôm ương thì đưa lần sát mặt nước và che tạm bằng bao cát hoặc lưới trủ để tránh nắng. Giảm thức ăn, hay bỏ đói tôm cũng là biện pháp mà người nuôi áp dụng lúc này.

Kết quả kiểm tra thực tế của Sở NN&PTNT tỉnh cho thấy: Diễn biến tình hình tôm chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột, thời điểm chết xảy ra vào ban đêm (thời điểm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp nhất); các loài cá tự nhiên, sống ở tầng đáy trong vùng nuôi cũng bị chết; thời điểm xảy ra hiện tượng tôm, cá chết, vùng nước nuôi khu vực này chuyển sang màu nâu đỏ, bốc mùi tanh; tôm chết không có các dấu hiệu bệnh lý. Điều này cũng trùng hợp với những gì mà người dân địa phương chuyên làm nghề lặn thông tin.

Kết quả phân tích mẫu nước cũng cho thấy vùng nước có biểu hiện ô nhiễm hữu cơ, tảo phát triển. Đặc biệt, chỉ tiêu Oxy hòa tan trong nước quá thấp so với ngưỡng quy định, ô xy hoà tan trong nước tầng đáy = 2,1 mg/l, không phù hợp nuôi tôm hùm. Từ những căn cứ trên, Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định tôm hùm nuôi bị chết ở xã Xuân Phương vừa qua là do sự cố môi trường, tương tự như những trường hợp tôm chết do môi trường đã xảy ra trong các năm 2016 và 2017 trên địa bàn thị xã Sông Cầu. Đây là hậu quả  của việc  thả  lồng nuôi tôm hùm dày đặc tại các vùng nuôi trên, và điều này đã làm quá sức tải môi trường. Nguy cơ này sẽ kéo dài trong mùa nắng nóng năm nay.

Theo dự báo thời tiết trong thời gian đến nắng nóng kéo dài, khả năng có mưa dông, là điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ, tảo phát triển mạnh, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tại các vùng nuôi thủy sản lồng, bè trên địa bàn thị xã Sông Cầu là rất lớn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, người nuôi không nên thả giống mới trong thời gian này để giảm mật độ lồng nuôi và thường xuyên quan sát môi trường nước, kiểm tra tình hình sức khỏe tôm nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Chi cục cũng triển khai các lớp tập huấn cho người dân.

Đối với người dân, bên cạnh triển khai các biện pháp bảo vệ tôm hùm trong mùa nắng, người dân mong muốn ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương quy hoạch sắp xếp lại các vùng nuôi, triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ môi trường, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Gần 2 năm trước, Sông Cầu xảy ra sự cố môi trường khiến cả triệu con tôm hùm chết đột ngột, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Năm nay Phú Yên được xác định nằm trong vùng tâm điểm nắng nóng. Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp trước mắt để ngăn chặn tôm hùm chết hàng loạt, cần phải nhanh chóng triển khai các biện pháp quản lý vùng nuôi bền vững, tránh thảm cảnh lặp lại như cách đây 2 năm tại vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước này./.                                                                                      

Lê Biết - Quốc Hoàn