Chuyện nuôi ngựa đua ở An Xuân

09:30, 04/02/2019 [GMT+7]

 

Chuyện nuôi ngựa đua ở An Xuân
Chuyện nuôi ngựa đua ở An Xuân


Do địa hình hiểm trở, đa phần ruộng, rẫy ở vùng núi, dốc đứng  mà từ bao đời nay, những con ngựa thồ đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây xã An Xuân, huyện Tuy An. Ngày nay, dù không còn được xem là phương tiện chính trong sản xuất và đời sống nhưng con ngựa vẫn gắn bó với nhiều người dân trong xã. Với họ, nuôi ngựa không chỉ phục vụ cho sản xuất mà còn để tham gia Hội đua ngựa truyền thống hàng năm. Mời quý vị và các bạn cùng về An Xuân để hiểu hơn chuyện nuôi ngựa đua nơi đây.

Theo nhiều người dân An Xuân, nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Chúng ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi - thứ có  rất nhiều ở An Xuân, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Mỗi ngày tắm ngựa, chải lông một lần. Ngựa cũng rất ít bệnh tật. Bên cạnh việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho ngựa thì người chủ nuôi cần có kỹ năng huấn luyện để đảm bảo an toàn cho người và ngựa khi tham gia hội đua ngựa truyền thống hàng năm.

Trước đây, khi đường giao thông gập ghềnh thì con ngựa là phương tiện quan trọng để giúp người dân A Xuân di chuyển, thồ hàng hóa, nông sản từ ruộng dưới thung lũng, rẫy trên núi về nhà; hoặc băng qua những con đường lầy lội, trơn trợt, lởm chởm đá tảng, đá cuội mà xuống đồng bằng, về thị trấn Chí Thạnh để mua bán nông sản. Bây giờ, đường sá đã thông thương, thuận tiện, vì thế bóng dáng ngựa thồ cũng dần thưa vắng.

Với những người nhiều năm gắn bó với con ngựa như ông Chín, ông Ngọc thì ký ức về cái thời An Xuân, nhà nào cũng có ngựa là chưa bao giờ nguôi. Có lẽ, bây giờ, việc duy trì nuôi ngựa chủ yếu là xuất phát từ tình cảm với con vật thông minh này cũng như những giá trị truyền thống của Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng Mùng 9 Tết hàng năm.

Những chú ngựa đua nhỏ thó, những nước đua không chuyên nghiệp nhưng đó chính là nét mộc mạc và độc đáo của Hội đua ngựa ở An Xuân. Và để năm nào ngựa An Xuân cũng sải bước ở địa đạo Gò Thì Thùng thì cần lắm những tấm lòng như ông Chín, ông Ngọc. Để vùng đất An Xuân được nhiều người biết đến và tìm về với Hội đua ngựa truyền thống Mùng 9 Tết hàng năm./.

Hoàng Trúc – Lê Hùng